Ký sinh trùng – Một bộ phim ám ảnh

 


Khi nghe tên bộ phim Ký sinh trùng – Parasite của đạo diễn Boon Joon – ho, chúng ta sẽ tò mò đây sẽ là một bộ phim kinh dị hay khoa học viễn tưởng? Nhưng khi xem hết phim rồi, người xem cũng không thực sự cắt nghĩa được nó thuộc thể loại gì ngoài những cung bậc cảm xúc và ý nghĩa mà nó đem lại. Phim là một tác phẩm thể hiện rõ phong cách của vị đạo diễn tài ba người Hàn Quốc. Ông đã định hình rõ phong cách black comedy – hài kịch đen trong hầu hết các tác phẩm trước đó như Chó sủa không cắn, Hồi ức của kẻ sát nhân hay Người mẹ. Nhưng Ký sinh trùng thực sự là bộ phim đem đến sự châm biếm xã hội sâu sắc với đầy rẫy tính ẩn dụ từng thước phim. Dù đây là một bộ phim hàn lâm đã giành được bốn giải Oscar, nhưng nó không hề khó xem mà phô ra toàn bộ sự thật trần trụi của tâm lý xã hội. Bộ phim thể hiện mâu thuẫn giai cấp đến cùng cực với hình ảnh đối lập của hai gia đình. Một gia đình thì phải sống trong căn phòng nằm thấp dưới mặt đường thôi hối và phải dùng wifi chùa, trong khi gia đình kia thì sống trong một căn biệt thự xa hoa được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng. Những phép ẩn dụ liên tục được đưa ra trong phim như những lời bình luận dẫn dắt, như chuyến xe bus mà đạo diễn chính là lái xe đưa người xem đến những bất ngờ mà không ai đoán được. Bộ phim không hề có plot twist rõ ràng nhưng mỗi sự việc trong phim là một ngã rẽ đẩy số phận của nhân vật đến những điểm tận cùng. Hình ảnh bậc thang được lặp lại trong phim cũng như những nấc thang lên thiên đường, nhưng cũng là những nấc thang đi xuống địa ngục. Bộ phim mang lại cho người xem nỗi ám ảnh cực lớn về giới hạn tận cùng của con người, về lòng tham, về tham vọng và cả sự độc ác. Mùi hương hay mùi hôi cũng được nhắc lại nhiều lần trong bộ phim như sự dẫn dắt. Đó phải chăng là mùi không thể gột rửa của giai cấp, và cũng là mùi của tiền tài, mùi của địa vị đưa con người đến những chiếc bẫy mà không còn cơ hội để quay lại. Ánh sáng, góc quay của phim chỉn chu đến mức chúng ta như những con người đang sống và theo dõi cuộc sống của nhân vật. Quả thật, xuyên suốt bộ phim là cách đạo diễn phác thảo bức tranh của những ký sinh trùng trong xã hội đầy rẫy những bất công và cám dỗ. Đạo diễn đã quá thành công khi kéo chúng ta đắm mình quá sâu vào bức tranh đó mà quên luôn câu hỏi được đặt ra về thể loại phim là gì. Ký sinh trùng đã xóa nhòa ranh giới các thể loại đó, chỉ có nhân vật sống như chính những con người thật, không hề có ranh giới.

Comments